Kinh tế biển Tĩnh Gia

Được thiên nhiêu ưu đãi cho bờ biển dài 42 km, cộng với bãi biển khá đẹp nên nhiều năm nay huyện Tĩnh Gia luôn chú trọng phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên này.

rên địa bàn, Cảng cá Lạch Bạng tại xã Hải Bình  đã được quy hoạch xây dựng với quy mô gần  1.000 tàu, thuyền neo đậu, liền với đó là việc nâng cấp các chợ đầu mối giúp cho việc thông thương, mua bán thủy sản thuận lợi hơn. Năm 2010, toàn huyện đã khai thác và nuôi trồng được 20.700 tấn thủy sản, đem về nguồn thu lên tới 323,461 tỷ đồng. Việc phát triển kinh tế biển đã và đang giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, thúc đẩy nền kinh tế của huyện ngày một phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay ngành kinh tế mũi nhọn này của huyện Tĩnh Gia đang phải đối mặt với không ít khó khăn đó là:  Việc xăng, dầu tăng giá, nhiều ngư dân chần chừ  không dám ra khơi bám biển. Hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình tự quản, cùng hỗ trợ giúp nhau trong sản xuất đã được hình thành đáng ra phải phát huy hiệu quả nhưng do hoạt động chỉ  mang tính hình thức nên chưa có ý nghĩa thực sự đối với ngư dân khi khai thác trên biển. Số lượng tàu, thuyền có công suất nhỏ còn chiếm tỷ lệ cao (72,3%), khai thác hải sản của ngư dân chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào  khai thác hải sản còn hạn chế nên hiệu quả kinh tế chưa cao... Một số nghề như lưới kéo, vây sâu rút chì, rê khơi sát đáy đang dần bị thu hẹp, việc sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác vẫn còn xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lợi thủy sản.       Không chỉ gặp khó khăn trong khai thác hải sản mà ngành nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản của huyện cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn như: diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh vẫn còn ít, chỉ có 40/920 ha được nuôi theo hình thức thâm canh. Nguồn giống, thức ăn phục vụ cho nuôi trồng còn chưa chủ động, trong khi đó công tác quản lý chất lượng giống, thức ăn còn nhiều bất cập gây ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất, chất lượng con nuôi. Việc chế biến thủy, hải sản của huyện vẫn chưa gây dựng được thương hiệu mạnh, sản phẩm làm ra còn xảy ra tình trạng chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...

Những khó khăn trên thể hiện rất rõ ở xã Hải Bình. Là xã điển hình của huyện trong việc phát triển kinh tế biển, song Hải Bình cũng đang đứng trước những thử thách mới. Toàn xã hiện có 254 phương tiện khai thác thủy, hải sản, trong đó có 53 phương tiện đánh bắt xa bờ với công suất từ 150 đến 450 CV. Tuy nhiên, hiện tại có tới 80% số tàu, thuyền của xã phải “tạm thời buông neo” do giá xăng, dầu tăng, kéo theo đó là 80% số lao động trong xã không có việc làm. Theo tính toán của các ngư dân trong xã thì chi phí cho một tàu đánh bắt ven bờ có công suất dưới 20 CV đi từ 2 đến 3 ngày phải tiêu hao trung bình 100 lít dầu; một tàu đánh bắt vùng lộng có công suất từ 20 đến 89 CV đi từ 2 đến 3 ngày tiêu hao từ 500 đến 1.000 lít dầu; còn với tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90 CV trở lên, đi từ  5 đến 7 ngày thì phải tiêu hao từ 3.000 đến 5.000 lít dầu, chi phí thì lớn, nguồn lợi hải sản lại cạn kiệt và may rủi còn phụ thuộc vào thời tiết nên hiện trong xã chỉ có một ít hộ có tiềm lực kinh tế mới dám đầu tư để  nhổ neo.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hải Bình, cho biết: nghề khai thác hải sản tuy cho thu nhập khá, song đây lại là nghề có chi phí lớn và  rủi ro cũng rất cao. Tàu thuyền không ra khơi, không có hàng thì đồng nghĩa với việc ngành chế biến thủy, hải sản trong xã  bị ngưng trệ, kéo theo đó là một loạt hệ luỵ như người dân không có việc làm, không có thu nhập... Đứng trước những khó khăn trên, Đảng bộ và chính quyền huyện Tĩnh Gia đã đưa ra một số giải pháp như: bố trí cơ cấu tàu, thuyền có công suất phù hợp; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân; khuyến khích các ngư dân liên kết trong đánh bắt và  đầu tư các phương tiện dịch vụ hậu cần trên biển nhằm cung ứng xăng, dầu, thu mua sản phẩm và cung ứng các thiết bị thiết yếu khác cho sản xuất và sinh hoạt; ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào khai thác...; động viên ngư dân hỗ trợ lẫn nhau để tiếp tục sản xuất. Anh Nguyễn Văn Hiến, thôn Yên Đình, xã Hải Bình, cho biết: Gia đình anh có một tàu khai thác với công suất 400 CV, một lần ra khơi từ 5 đến 7 ngày, chi phí chỉ riêng cho dầu đã lên tới từ 90 đến 100 triệu đồng. Do đó, nhiều ngư dân trong xã đã liên kết lại với nhau để giảm chi phí, xăng, dầu như cùng nhau góp tiền xăng, dầu... cho một tàu có công suất từ 50 đến 90 CV ra khơi trước để thăm dò nguồn lợi thủy sản, nếu phát hiện ra tọa độ có cá sẽ thông tin về cho các tàu khác kịp thời nhổ neo ra khơi đánh bắt. Như vậy, sẽ giảm được  chi phí xăng dầu, thời gian cho các tàu, thuyền..
Anh Hoàng Văn Nai, một chủ phương tiện tàu khai thác có mã lực 100 CV ở xã Hải Bình, cho hay: mặc dù xăng, dầu tăng giá nhưng gia đình anh vẫn tiếp tục bám biển ra khơi, dù thu nhập bị giảm đi đáng kể. Từ khi tham gia vào đội liên kết sản xuất của ngư dân trong xã chi phí xăng dầu, các khoản khác giảm chỉ còn 30 đến 35 triệu đồng thay vì 40 đến 45 triệu đồng như trước đây.
Bên cạnh liên kết tổ để thăm dò, khai thác, ngư dân còn đẩy mạnh dịch vụ hậu cần, cho thuyền nhỏ vận chuyển, cung cấp các mặt hàng nhu yếu phẩm cho các tàu khai thác xa bờ và vận chuyển các sản phẩm khai thác được vào bờ nhằm giảm chi phí đi lại.

Tuy ngư dân huyện Tĩnh Gia đã chủ động, linh hoạt để khắc phục khó khăn, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp có tính cấp thời, do vậy rất cần sự hỗ trợ thiết thực hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền  và sự nỗ lực vượt khó của chính các ngư dân để nghề biển ở đây phát triển bền vững.