Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Phong trào Đồng Khởi, bước ngoặt của cách mạng miền Nam

- Giữa chính sách khủng bố, đàn áp man rợ của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, được Đảng lãnh đạo, phong trào Đồng Khởi đã nổ ra ở tỉnh Bến Tre rồi nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh miền Nam, phá vỡ từng mảng bộ máy cai trị hà khắc. Đây chẳng những là tiếng súng đanh thép, hùng hồn báo hiệu sự sụp đổ tất yếu của chế độ Mỹ - Ngụy, mà còn là bước ngoặt mang tính chiến lược lịch sử của cách mạnh miền Nam. Từ đây, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, trở thành đại diện chân chính, ngọn cờ công khai đoàn kết, tập hợp tất cả các tầng lớp Nhân dân, các giai cấp, dân tộc, đảng phái, đoàn thể, tôn giáo và nhân sĩ yêu nước ở miền Nam đấu tranh lật đổ ách thống trị của đế quốc, tay sai phản động, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, thống nhất Tổ quốc.

Phong trào Đồng Khởi bùng nổ tại tỉnh Bến Tre, bắt đầu từ ngày 17/1/1960. Ảnh: tư liệu

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1974) lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia làm hai miền Nam Bắc, chờ ngày tổng tuyển cử. Tuy nhiên, ở miền Nam, Mỹ đã nhảy vào hất cẳng Pháp, thiết lập chính quyền Ngô Đình Diệm và quân đội tay sai, hòng thực hiện mưu đồ xâm lược, chia cắt lâu dài, vĩnh viễn đất nước ta. Chúng tiến hành nhiều cuộc thảm sát đẫm máu, lê máy chém khắp thôn cùng ngõ vắng, thẳng tay đàn áp, giết hại những người yêu nước, triệt phá tổ chức và tư tưởng cách mạng. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, tổn thất, nhưng nhận rõ bản chất xâm lược của Mỹ và bè lũ tay sai bán nước, đông đảo quần chúng cách mạng ở miền Nam đã kết thành một khối, siết chặt đội ngũ, chờ thời cơ, sẵn sàng hành động.

Trong bối cảnh ấy, tháng 1/1959, Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ gìn hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước” ra đời, đã nêu rõ mục tiêu, con đường của cách mạng miền Nam. Với đường lối đúng đắn, nghị quyết đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng, là “pháo lệnh” cho công cuộc Đồng Khởi ở miền Nam Việt Nam đầu năm 1960.

Sáng 17/1/1960, tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, “tổ hành động” đã vùng lên đánh chiếm Tổng đoàn dân vệ đóng tại đình Định Phước, thu toàn bộ súng đạn, mở đầu cuộc Đồng Khởi. Cũng trong ngày 17, 18/1/1960, cuộc nổi dậy đã nổ ra ở Bình Khánh, Phước Hiệp và nhiều xã khác trong huyện Mỏ Cày, rồi như nước vỡ bờ, lan rộng. Được các “tổ hành động” làm nòng cốt, khắp làng trên xóm dưới, Nhân dân Bến Tre đồng tâm nổi dậy, với gậy gộc, giáo mác, nổi trống gõ mõ hừng hực khí thế tập trung bao vây, bức rút, bức hàng đồn bốt của quân xâm lăng và bè lũ bán nước. Theo các tư liệu lịch sử, chỉ sau tuần lễ Đồng Khởi, lực lượng vũ trang và Nhân dân đã liên tiếp giáng cho chúng những đòn chí tử, bức rút, bức hàng 20 đồn bốt, thu hàng trăm súng...

Và trước phong trào cách mạng như vũ bão, Mỹ - Diệm đã phải vội vã đưa hơn 10.000 quân hỗn hợp đến Bến Tre bao vây hòng đàn áp quân và dân ta ở 3 xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp. Nhưng rồi, bằng sự vững vàng, mưu trí, sáng tạo nghệ thuật chiến tranh Nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa chính trị, quân sự và binh vận, Ban Chỉ huy Đồng Khởi đã lãnh đạo Nhân dân đấu tranh, khiến giặc bối rối, binh sĩ hoang mang và buộc phải rút lui.

Càng đấu tranh càng thắng lợi, Nhân dân Bến Tre càng hăng hái tham gia phong trào cách mạng. Đến cuối năm 1960, ta đã giải phóng hoàn toàn 51/115 xã, 21 xã giải phóng một phần, hơn 80.000 mẫu ruộng được chia cho dân nghèo. Hệ thống kìm kẹp của địch ở nông thôn bị phá rỡ từng mảng lớn. Đảng bộ Bến Tre phát triển mạnh rõ rệt, lực lượng vũ trang không ngừng lớn mạnh với sự ra đời của những “Đội quân tóc dài” vang danh một thuở.

Như cố Đại tướng Hoàng Văn Thái, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Đảng ủy Quân sự Trung ương đã khẳng định: “Phong trào Đồng Khởi 1960 là mô hình hoàn chỉnh của khởi nghĩa toàn dân, của khởi nghĩa nông thôn đồng bằng. Nó thúc đẩy toàn Nam bộ nổi dậy chống Mỹ cứu nước với khí thế long trời lở đất”... Thật vậy, sau thắng lợi vang dội ở Bến Tre, Phong trào Đồng Khởi đã bùng phát, lan rộng từ Đông Nam bộ, Tây Nguyên đến các tỉnh miền Tây đồng bằng khu 5 và cả những đô thị như Sài Gòn - Gia Định... Cũng từ trong phong trào, đã diễn ra trận đánh lớn đầu tiên của lực lượng vũ trang miền Nam, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ về trình độ tổ chức, chỉ huy và khả năng tác chiến của bộ đội ta - chiến thắng Tua Hai ở Tây Ninh ngày 26/1/1960.

Tính đến cuối năm 1960, ta đã giành quyền làm chủ ở 1.363 xã trên toàn miền Nam (trong đó, Nam bộ là 984 xã, khu 5 là 379 xã), giải phóng 5,6 triệu dân. Phong trào đã huy động được hàng triệu người tham gia đấu tranh chính trị trực diện, thu lại 17 vạn héc-ta đất bị Mỹ - Diệm cướp trả về cho nông dân. Cả một vùng căn cứ cách mạng rộng lớn có ý nghĩa chiến lược đã được hình thành, nối từ Tây Nguyên xuống miền Đông, miền Tây Nam bộ và các tỉnh đồng bằng khu 5. Chẳng những vậy, lực lượng vũ trang ba thứ quân và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp được thành lập, các căn cứ địa cách mạng được khôi phục, mở rộng; tuyến đường huyết mạch Trường Sơn - Hồ Chí Minh và trên biển tuyến đường biển được hình thành và phát triển... góp phần hiện thực hóa quyết tâm “tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của quân dân hai miền Nam - Bắc.

Với thắng lợi của phong trào Đồng Khởi, ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, Châu Thành (nay là Tân Biên - Tây Ninh), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, tập hợp rộng rãi quần chúng đấu tranh vì hòa bình, thống nhất Tổ quốc, mở ra bước ngoặt chiến lược lịch sử cho phong trào cách mạng miền Nam. Đúng như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng khẳng định: “Những cuộc “đồng khởi” nổ ra trong thời gian này đánh dấu một bước nhảy vọt quan trọng, chuyển cách mạng miền Nam sang thế tiến công, phát triển cao trào cách mạng ra khắp miền, với sự kết hợp cả hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự”.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng phong trào Đồng Khởi năm 1960 vẫn luôn là một sự kiện lịch sử trọng đại, một dấu son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói riêng và lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Thắng lợi ấy là một đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mỹ, làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, là mũi đột phá, mở đầu cho cao trào mới của cách mạng miền Nam chuyển từ thế phòng ngự, gìn giữ lực lượng sang thế tiến công và liên tiếp tiến công địch, giành thắng lợi. Đó còn là tiếng súng hùng hồn đanh thép, báo hiệu sự sụp đổ tất yếu của chế độ Mỹ - Ngụy. Cũng từ đây, hành trình đưa cách mạng Việt Nam đến bàn đàm phán tại Paris cũng không còn xa nữa...

Thắng lợi ấy cũng khẳng định tính đúng đắn, kịp thời của đường lối cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã vạch ra cho miền Nam ruột thịt, là nghệ thuật quân sự độc đáo, kết hợp “hai chân”: chính trị, quân sự, “ba mũi” giáp công: chính trị, quân sự và binh vận. Nhưng sâu sắc hơn, đó mãi là bài học bằng máu về tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh Nhân dân để làm nên những cuộc cách mạng long trời lở đất. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”...

Bài học ấy vẫn còn giữ nguyên giá trị trong thời đại ngày nay, khi Bến Tre cùng cả nước đang tiếp tục những cuộc “Đồng Khởi mới”, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo Báo Thanh Hóa