Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Đường mòn Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã từng khai thông nhiều con đường để mở mang bờ cõi, bảo vệ non sông. Nhưng có lẽ, đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh là con đường vĩ đại nhất, con đường huyền thoại cả trong ý tưởng và thực tế. Con đường mang tên Bác huyền thoại là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược để vận chuyển binh lực, lương thực và vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Sự ra đời của Đoàn 559 và con đường huyền thoại mang tên Bác
Cách đây 66 năm, ngày 1/5/1959, sau Hội nghị Trung ương lần thứ 15, với chủ trương đẩy mạnh đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam, Bộ Chính trị đã giao cho Quân ủy Trung ương nghiên cứu tổ chức một đoàn giao thông quân sự đặc biệt, mở một tuyến giao thông và vận tải để đưa cán bộ, vũ khí và hàng hóa cần thiết vào miền Nam. Ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559 có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn được thành lập. Người được Bộ Chính trị lựa chọn và trực tiếp giao nhiệm vụ tổ chức tuyến đường này là Thiếu tướng Võ Bẩm - Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 559.
Đoàn công tác quân sự đặc biệt 559 từ một đơn vị vận tải giao liên, bước đầu hình thành một lực lượng bộ đội, gồm: vận tải, bộ binh, công binh, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông, bảo đảm tuyến vận chuyển không ngừng phát triển từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn. Từ hậu phương lớn miền Bắc vào các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đầu tháng 6/1959, Đoàn 559 tổ chức khảo sát mở tuyến vào Nam bắt đầu từ Khe Hó (nằm giữa một thung lũng ở Tây Nam Vĩnh Linh, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) phát triển về hướng Tây Nam, điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, huyện Đắk Rông, tỉnh Quảng Trị kế cận trạm tiếp nhận của Khu 5. Con đường này phải vượt qua nhiều dãy núi cao hiểm trở, khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Để đảm bảo tuyệt đối bí mật, nguyên tắc tối cao của việc mở đường là: “Việc mở đường không ai được biết... không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Một mẩu thuốc cũng có thể tạo nên một thứ tang chứng”. Vậy nên, trong điều kiện “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, đoàn công tác đã gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ nhưng vẫn quyết tâm xây dựng bằng được con đường.
Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm, chuyến hàng ấy được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên tại Tà Riệp làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Khu 5. Ngay trong năm 1959, đoàn đã vận chuyển gấp 7.000 súng bộ binh, tổ chức bảo đảm đưa 500 cán bộ trung cấp, sơ cấp hành quân vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực. Mùa khô 1960-1961, Đoàn 559 đã vận chuyển giao cho chiến trường 30 tấn vũ khí, bảo đảm lương thực cho gần 2.000 cán bộ vào chiến trường, có chân hàng dự trữ cho các đợt vận chuyển tiếp theo...
Đường Hồ Chí Minh đã không ngừng được mở rộng, kéo dài, ngày càng phát triển, vươn sâu tới các chiến trường, các hướng chiến lược, chiến dịch. Sự phát triển của hệ thống đường Hồ Chí Minh đã phục vụ đắc lực cho công tác vận chuyển chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và cùng cả nước tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong 16 năm, các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu trên 2.500 trận. Với đối phương, đây là con đường mang đến thảm họa, báo trước sự sa lầy và thất bại. Ta đã diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch.
Với đối phương, nhiều đời tổng thống đã huy động bộ não “siêu phàm” để đối phó, ngăn chặn nhưng đường Hồ Chí Minh vẫn cứ như gọng kìm siết chặt sào huyệt kẻ thù... Với những cống hiến của mình, Đoàn 559 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; 77 đơn vị và 44 cán bộ, chiến sĩ được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Chiến sĩ mở đường trở thành những người huyền thoại
Với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, bộ đội, TNXP và dân công hỏa tuyến Trường Sơn đã bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Họ - những chiến sĩ đi mở đường huyền thoại cũng đã trở thành những người huyền thoại.
Nhớ về những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng ấy, ông Đoàn Công Khanh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Hậu Lộc, chia sẻ: "Tháng 5/1965, tôi nhập ngũ vào đơn vị C48-N21 Đoàn 559 làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường cho xe vận chuyển vũ khí vào mặt trận. Chúng tôi mang vác, gùi thồ lương thực, thực phẩm, vũ khí; sản xuất, vận chuyển bằng “thuyền nan bọc bạt” lái ca nô trên sông Bạc nước bạn Lào, phát đường bí mật ra tuyến lửa để giao liên, đưa cán bộ vào Trung ương Cục miền Nam. Chúng tôi và nhiều đơn vị khác luôn có mặt tại những trọng điểm túi bom đường 559 hứng chịu B52-B57 bom napan, bom phốt pho, chất độc hóa học, bom khoan, bom nổ chậm, bom từ trường, mìn vướng nổ, mìn lá, bom cay... của giặc Mỹ. Mặc dù trong điều kiện thiếu thốn, gian khổ, có thời điểm phải ăn măng rừng, củ mài, củ nâu, bị bệnh sốt rét, ghẻ lở đầy người... song, với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không để chiến trường thiếu đạn, thiếu gạo”, chúng tôi quyết tâm giữ huyết mạch các tuyến giao thông, các tuyến đường Trường Sơn cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975)...".
Bà Nguyễn Thị Sáu, Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Thanh Hóa, Trưởng Ban liên lạc C2931-N293-P31, chia sẻ: "Chúng tôi nhận nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, san lấp hố bom đảm bảo giao thông ở các trọng điểm bị máy bay địch bắn phá. Máy bay địch phá đến đâu chúng tôi khắc phục đến đấy. Chính vì vậy, hơn 3 năm hoạt động, Đội TNXP N293-P31 trong đó có C2931 đã làm mới và sửa chữa được hàng trăm ki-lô-mét đường, hướng dẫn cho xe qua 5 phà an toàn đó là phà Ròn, phà Gianh, sông Lý hòa, phà Xuân Sơn, Long Đại (tỉnh Quảng Bình); đào đắp vận chuyển hàng triệu mét khối, sửa chữa hàng trăm cây số... góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước...".
Chiều sâu kỳ tích và chất huyền thoại của đường mòn Hồ Chí Minh được xây đắp bằng trí tuệ, mồ hôi, xương máu của hàng ngàn, hàng vạn Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, trong đó có lực lượng bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến... người Thanh Hóa có hơn 20.000 bộ đội, TNXP, công nhân giao thông đã hy sinh; hơn 3 vạn người bị thương... Mặc dù đường Trường Sơn dẫu có gian khổ, ác liệt, song đầy tự hào và vinh quang vì đã làm nên con đường lịch sử, con đường huyền thoại.
Đường Hồ Chí Minh không chỉ là biểu hiện ý chí sắt đá, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đường Hồ Chí Minh cũng là công trình trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167km; điểm đầu là Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), điểm cuối là Đất Mũi (tỉnh Cà Mau). Con đường xuyên qua 20 tỉnh từ Bắc vào Nam; chạy qua nước bạn Lào và Campuchia; vắt từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, từ Tây Nguyên xuyên xuống miền Đông, miền Tây Nam bộ. Từ con đường trên bộ, rồi hình thành đường Hồ Chí Minh trên biển, đường Hồ Chí Minh trên không, vượt lên sự phong tỏa, ngăn chặn, hướng về miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp thống nhất đất nước.
Theo Báo Thanh Hóa