- Chiến lược “chiến tranh cục bộ” với bản chất là quân Mỹ đóng vai trò lực lượng chiến lược chủ yếu trực tiếp tiến hành chiến tranh. Bước leo thang rất nghiêm trọng này đã đưa cuộc chiến đấu giữa Nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ lên một đỉnh cao của “cuộc đụng đầu lịch sử”.

Leo thang chiến tranh
“Chiến tranh đặc biệt”, một chiến lược chiến tranh được giới cầm quyền Mỹ hy vọng giành thắng lợi, từ đó, áp đặt chế độ thực dân mới lâu dài trên đất nước ta. Chiến lược này đứng trên “3 chân” vững chắc, gồm quân đội, chính quyền Ngụy và “ấp chiến lược”. Các yếu tố ấy được duy trì bằng nguồn viện trợ dồi dào về tiền bạc, vũ khí, trang bị hiện đại, cùng đội ngũ cố vấn Mỹ ngày càng đông đảo. Thế nhưng, đương đầu với cuộc chiến tranh Nhân dân rộng lớn, nhất là sau các trận thắng ở Ấp Bắc (1963), rồi Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài (hè năm 1965) của Quân giải phóng, “chiến tranh đặc biệt”- hình thức xâm lược “giấu mặt trá hình” của đế quốc Mỹ đã bị phá sản. Đáng nói hơn, sự thất bại của “chiến tranh đặc biệt” còn là lời cảnh báo về sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Trước tình thế đó, Tổng thống L.Giônxơn và các quan chức chủ chốt Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, CIA đã đi đến thống nhất quan điểm là phải giữ vững chính quyền Sài Gòn để chứng minh cho Nhân dân Mỹ, cho đồng minh và cho kẻ thù về hình ảnh của một nước Mỹ siêu cường. Từ đó, mục tiêu của Mỹ là phải đảo ngược chiều hướng xuống dốc của Nam Việt Nam bằng cách sử dụng quân Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ở miền Nam; đồng thời mở rộng việc ném bom liên tục miền Bắc Việt Nam cho đến khi Mỹ đạt được thắng lợi. Chính quyền Mỹ cho rằng, ném bom sẽ là đòn bẩy làm cho chính quyền Sài Gòn ổn định, nâng cao tinh thần cho quân đội Việt Nam cộng hòa tiếp tục cuộc chiến tranh. Cùng với ném bom miền Bắc Việt Nam, kết hợp đưa quân viễn chinh Mỹ và các nước phụ thuộc vào chiến trường miền Nam trực tiếp tham chiến, Mỹ đã hoàn toàn thay thế chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bằng “chiến tranh cục bộ”.
Ngày 8/3/1965, hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ (số 1 và số 3) thuộc Lữ đoàn Hải quân viễn chinh số 9 đổ bộ vào Đà Nẵng, chính thức mở đầu cho việc đưa quân chiến đấu vào miền Nam. Tiếp đó, ngày 1/4/1965, L.Giônxơn quyết định đưa thêm một bộ phận quân chiến đấu Mỹ sang Việt Nam và tăng cường không quân, hải quân đánh phá miền Bắc. Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã cụ thể hóa quyết định của L.Giônxơn thành 11 biện pháp thực hiện trong Bị vong lục số 328-NSAM ngày 6/4/1965. Thực hiện những quyết định trong Bị vong lục số 328-NSAM, tính đến đầu tháng 5/1965, quân chiến đấu Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam gồm 7 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, một trung đoàn pháo mặt đất, một phi đội máy bay chiến đấu F4 (Con ma). Chưa dừng lại ở đó, ngày 17/7/1965, L.Giôn-xơn chuẩn y đề nghị tăng quân lên 44 tiểu đoàn và kế hoạch “Tìm và diệt” của Tướng W. Oétmolen (lúc này là người đứng đầu Bộ Chỉ huy Viện trợ quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam) và ra lệnh triển khai vào Nam Việt Nam 34 tiểu đoàn quân Mỹ (khoảng 100.000 quân), số còn lại sẽ tiếp tục đưa vào.
Quyết định này của L.Giôn-xơn đã đưa nước Mỹ “vượt qua ngưỡng cửa bước vào cuộc chiến tranh trên đất liền ở châu Á”. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng đánh dấu quá trình thay đổi đường lối, chính sách leo thang chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Với chiến lược “Chiến tranh cục bộ” mà bản chất là quân Mỹ đóng vai trò lực lượng chiến lược chủ yếu trực tiếp tiến hành chiến tranh, cuộc chiến đấu giữa Nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ trở thành một đỉnh cao của “cuộc đụng đầu lịch sử”.
Với bước leo thang chiến tranh cực kỳ nguy hiểm này, âm mưu của đế quốc Mỹ là tạo ra một thế chiến lược mới, chủ động bao vây, cô lập cách mạng Việt Nam ở miền Nam. Từ đó, tạo ra một lực cản mạnh mẽ để trong thời gian ngắn nhất ngăn chặn được sự sụp đổ của chính quyền và quân đội Sài Gòn. Đồng thời, tăng cường ném bom miền Bắc, làm kiệt quệ tiềm lực của hậu phương lớn XHCN và làm lung lay ý chí quyết tâm đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Đảng và Nhân dân ta.
Chủ động, kiên quyết đánh Mỹ
Bằng kinh nghiệm từ truyền thống hàng nghìn năm đánh giặc giữ nước của ông cha ta và đặc biệt là dưới sự lãnh đạo đầy bản lĩnh, thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã bước vào “cuộc đụng đầu lịch sử” với đế quốc Mỹ bằng tinh thần chủ động, kiên quyết.
Đầu tháng 7/1965, Bộ Chính trị ra nghị quyết chuyển hướng công tác tổ chức, tập trung lãnh đạo kinh tế và quốc phòng. Ngày 20/7/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nêu rõ quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đó là: “Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu; dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn"! Lời kêu gọi của Người đã thổi bùng lên quyết tâm kháng chiến của cả dân tộc.
Để tạo nền tảng cho cuộc chiến đấu ác liệt, gian khổ, thì hậu phương là nhân tố quyết định. Không có hậu phương vững mạnh thì tiền tuyến không thể chiến thắng kẻ thù - nhất là đế quốc Mỹ, tên đế quốc mạnh nhất thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Muốn dựng ngôi nhà tốt, thì phải xây nền cho thật vững. Muốn cây được mạnh, lá được tươi, hoa được đẹp, quả được tốt, thì ra sức săn sóc, vun xới gốc cây. Miền Bắc là cái nền, cái gốc của cuộc đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc, thực hiện thống nhất nước nhà. Cho nên mọi việc chúng ta làm ở miền Bắc đều nhằm tăng cường lực lượng của miền Bắc và miền Nam”.
Với tinh thần đó, các địa phương miền Bắc được bố trí, sắp xếp lại gọn nhẹ phù hợp với chuyển hướng nền kinh tế vào thời chiến và sẵn sàng chiến đấu, chi viện cho các chiến trường. Phong trào thi đua yêu nước mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt được dấy lên sôi nổi. Các phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên; “Ba đảm đang” trong phụ nữ; “Ba quyết tâm” trong giới trí thức; “Thi đua quyết thắng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” trong các lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ. Hàng triệu thanh niên nam, nữ tình nguyện tòng quân, đi thanh niên xung phong... Còn ở miền Nam, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 14 triệu đồng bào đã xác định lập trường: “Thà chết chứ không chịu làm nô lệ, sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc và giành độc lập hoàn toàn... Dù chúng có đưa 5 vạn hay 50 vạn quân, dù trang bị bằng thứ vũ khí gì, hay bất cứ chúng đặt chân lên nơi nào của lãnh thổ Việt Nam, chúng ta cũng kiên quyết đánh bại chúng, đánh cho đến khi không còn một tên xâm lược nào trên dải đất thân yêu của chúng ta”!
Không chỉ toàn dân Việt Nam chung một lòng kiên quyết đánh Mỹ và một ý chí đánh thắng; mà sự chuẩn bị về lực lượng cũng đặc biệt quan trọng. Trước tình hình rất thúc bách của cách mạng miền Nam, Đảng đã cử đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng Trần Văn Trà, Chu Huy Mân, Hoàng Văn Thái; cùng các đồng chí Lê Trọng Tấn, Hoàng Minh Thảo và một số cán bộ cao cấp khác, vào tăng cường cho Nam bộ, Khu 5, Tây Nguyên. Cuối năm 1964, các trung đoàn chủ lực miền Bắc cũng được lệnh bí mật hành quân vào chiến trường. Đồng thời, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Mặt trận Tây Nguyên, chuẩn bị trước một bước để trong trường hợp quân Mỹ vào miền Nam thì căng nó ra, kéo nó lên rừng núi mà đánh.
Đặc biệt, từ việc làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, thế trận chiến tranh Nhân dân đã được xây dựng vững chắc, liên hoàn ở cả ba vùng chiến lược. Lực lượng vũ trang ba thứ quân của ta phát triển cân đối và lớn mạnh vượt bậc so với những năm đầu chiến tranh. Năm 1964, lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam (chỉ tính riêng bộ đội chủ lực) đã có 11 trung đoàn và 15 tiểu đoàn. Đến cuối năm 1965, đã phát triển lên 5 sư đoàn và 11 trung đoàn bộ binh, nhiều tiểu đoàn, trung đoàn binh chủng kỹ thuật trang bị tương đối hiện đại. Ở Khu 5, Tây Nguyên, Trị - Thiên, các tiểu đoàn đặc công 406, 407, 408, 409, 487... là những đơn vị dạn dày kinh nghiệm đánh hậu cứ địch. Bên cạnh khối chủ lực cơ động, mỗi tỉnh đều có 1 đến 2 tiểu đoàn; mỗi huyện có từ 1 đến 2 đại đội, cùng hàng trăm trung đội, tiểu đội du kích hoạt động xen kẽ với địch, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị và chống phá địch bình định...
Khi đưa quân chiến đấu Mỹ vào Việt Nam, các nhà hoạch định chiến lược Hoa Kỳ tính toán rằng, cùng lắm là dùng 175.000 quân là có thể giành chiến thắng. Thế nhưng đến cuối năm 1965, quân Mỹ và đồng minh đã đưa vào miền Nam 200.000 quân với đầy đủ vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất. Bộ chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn theo lệnh của Tổng thống L.Giôn-xơn đã tung toàn bộ lực lượng trên vào cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất (mùa khô 1965-1966), ồ ạt đánh ra năm hướng trên hai chiến trường miền Đông Nam bộ và Khu 5. Nhưng đi đến đâu chúng cũng bị quân, dân ta đánh cho đại bại. Thắng lợi đầu tiên này đã củng cố vững chắc niềm tin đánh thắng được Mỹ cho quân và dân ta; đồng thời khẳng định khả năng có thể đánh thắng đế quốc Mỹ và bọn tay sai trong bất kỳ tình huống nào của cuộc chiến.
Với sự chủ động trên chiến trường và thế trận “cài răng lược” của lực lượng vũ trang ba thứ quân, ta đã giữ vững thế chủ động tiến công địch, mở mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị. Trên đà thắng lợi giòn giã, quân Giải phóng tiếp tục đánh thắng chiến lược “Hai gọng kìm” tìm diệt và bình định của Mỹ trong cuộc phản công mùa khô 1966-1967. Đồng thời, làm thất bại các bước leo thang chiến tranh phá hoại ra miền Bắc của giặc Mỹ (1965-1966). Với những thắng lợi vô cùng quan trọng và vẻ vang này, quân và dân trên cả hai miền Nam - Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Đó là đánh thắng hiệp đầu trong “cuộc đụng đầu lịch sử” với đế quốc Mỹ, từ đó tạo ra được thời cơ chiến lược mới để chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định.