Tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Tuy vậy, để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động luôn sử dụng các phương thức, thủ đoạn xuyên tạc, vu cáo nước ta đang “giới hạn tự do tôn giáo”. Đây thực chất là sự bịa đặt, vu cáo trắng trợn nhằm mục đích phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước.

Thời gian gần đây, bất chấp những thành tựu về bảo đảm các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nước ta được cộng đồng quốc tế ghi nhận, một số tổ chức quốc tế vẫn đưa ra nhận xét, phê phán về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam và cho rằng, nước ta đã “kiểm soát và đàn áp”, “sách nhiễu, bức hại”, đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng... Từ những luận điệu vu cáo, xuyên tạc vô căn cứ trên, các tổ chức này đã đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách “các nước cần quan tâm đặc biệt, viết tắt là CPC”.
Thực tế cho thấy, nước ta luôn coi trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mỗi người dân; đồng thời, luôn nỗ lực bảo đảm các tôn giáo được hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật. Theo đó, trên phương diện đời sống xã hội, quyền này được thể hiện rõ sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo và người dân hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo bất kỳ; các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào xã hội, từ thiện, xóa đói, giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của đất nước.
Trên phương diện pháp luật, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành và luôn phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Cụ thể như: Tại Điều 10 Hiến pháp năm 1946 nhấn mạnh: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”; Điều 26 Hiến pháp năm 1959 cũng quy định: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”; Điều 70 của Hiến pháp năm 1992 khẳng định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật”. Đặc biệt, tại Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung các quy định về quyền con người, trong đó khẳng định rõ hơn việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, được ghi tại Điều 16: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” và tại Khoản 1, 2, Điều 24 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.
Song song với đó, để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật nước ta cũng thể hiện rõ tính nghiêm trị đối với hành vi lợi dụng tôn giáo, xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác. Cụ thể, tại Điều 164 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), quy định: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 2 lần trở lên; dẫn đến biểu tình; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Từ những vấn đề nêu trên, có thể khẳng định, hệ thống văn bản, quy định về tín ngưỡng, tôn giáo tại nước ta đã và đang hoàn thiện, dân chủ và từng bước đáp ứng nhu cầu đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, thể hiện chủ trương, chính sách xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước, đó là tôn trọng và luôn bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là luôn tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động, phát triển một cách lành mạnh, bình đẳng trước pháp luật.