Chiều ngày 14/11/2016, đồng chí Nguyễn Đình Xứng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị họp nghe dự thảo Đề án thành lập Trung tâm Hành chính công các cấp tỉnh Thanh Hoá.
Tham dự hội nghị có đồng chí Lê Thị Thìn – Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ đã trình bày dự thảo Đề án thành lập Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện thuộc Thanh Hoá (gọi tắt là Trung tâm). Hiện nay, toàn tỉnh có 691 (100%) cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; đã có 20 đơn vị cấp huyện và 07 đơn vị sở, ngành đã triển khai một cửa điện tử hiện đại và theo kế hoạch, trong năm 2017 sẽ hoàn thành xong việc triển khai mô hình một cửa điện tử hiện đại tại 07 đơn vị cấp huyện và 12 đơn vị cấp sở, ngành còn lại. Số lượng thống kê đến nay toàn tỉnh có 1.849 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền.
Nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), dự thảo Đề án xác định vị trí, chức năng của Trung tâm hành chính công là đầu mối tập trung tiếp nhận, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc việc giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức và cá nhân theo quy định; Trung tâm chịu sự quản lý trực tiếp của UBND cấp tỉnh, huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Dự thảo cũng đề ra nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức và biên chế; cơ chế hoạt động của trung tâm. Các quy trình giải quyết TTHC được số hóa hiện đại theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, lưu giữ sử dụng chung các dữ liệu, kết nối giải quyết trực tuyến TTHC.
 Đồng chí Nguyễn Đình Xứng – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại hội nghị. |
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận tại hội nghị, phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc thành lập Trung tâm hành chính công các cấp là cần thiết, đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ hành chính công, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Đồng chí thống nhất việc xây dựng Đề án thành lập trung tâm và đã đóng góp ý kiến cụ thể vào từng nội dung của dự thảo.
Về sự cần thiết xây dựng đề án, đồng chí yêu cầu đơn vị soạn thảo đánh giá kỹ ưu nhược điểm của việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, mức độ hài lòng của người dân trong thời gian qua. Về tổ chức hoạt động của trung tâm các cấp cần được viết ngắn gọn, tóm tắt các nội dung: tên gọi, vị trí chức năng, các hoạt động chính của trung tâm các cấp. Lộ trình thực hiện đề án cũng cần được nghiên cứu, đưa ra các mốc thời gian cụ thể, như: Đối với cấp tỉnh, đến Quý II/2017 trung tâm đi vào hoạt động; đối với cấp huyện, chọn 3 – 4 địa phương (trong đó có thành phố, 2 địa phương đồng bằng và 1 miền núi) thực hiện thí điểm vào Quý III/2017, đến Quý II/2018 tất cả trung tâm cấp huyện đều đi vào hoạt động; đối với cấp xã, chọn một số xã thực hiện thí điểm vào Quý III/2017, đến năm 2019 thì tất cả các trung tâm cấp xã đều đi vào hoạt động. Ngoài ra, đồng chí cũng yêu cầu dự thảo cần đưa lộ trình cụ thể thực hiện các thủ tục hành chính, theo đó đến Quý I/2019 thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, cơ quan Trung ương đóng trên địa phương và đơn vị sự nghiệp đều được đưa về đầu mối trung tâm. Trước mắt, cần khẩn trương hoàn thành dự thảo đề án chung và phương án thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh vào cuối tháng 11/2016 để báo cáo UBND tỉnh vào tháng 12/2016, trong đó nghiên cứu chế độ đối với cán bộ được điều chuyển về trung tâm./.