Sáng 29-11, thị xã Nghi Sơn tổ chức Lễ Dâng hương tưởng nhớ 389 năm Ngày mất Danh nhân Văn hóa, Quân sự Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ, ngày 17 tháng 10 năm Giáp Tuất (1634) - ngày 17 tháng 10 năm Quý Mão (2023).
Tham dự lễ dâng hương có đồng chí Bùi Thị Mười, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Về phía thị xã Nghi Sơn đồng chí Trịnh Xuân Phú, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã; đồng chí Trương Bá Duyên, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy; đồng chí Nguyễn Thế Anh, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã; Các đồng chí nguyên Thường trực Thị ủy Nghi Sơn qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thị ủy, lãnh đạo các phòng, ban, ngành, Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể thị xã Nghi Sơn; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị xã; lãnh đạo và Nhân dân phường Nguyên Bình, xã Hải Yến, đại diện dòng họ Đào Duy, cùng đông đảo nhân dân và du khách đã về dự lễ.



Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ tên tự là Lộc Khê, sinh năm Nhâm Thân 1572, tại làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, trấn Thanh Hóa (nay là phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Ông là một nhân vật lịch sử lớn ở thế kỷ 17 của nước ta, được người đương thời và cả ngày nay ca ngợi bởi tài năng kiệt xuất, tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, văn hóa. Ông là người có công khai khẩn, mở rộng vùng đất phương Nam, đặc biệt là công trình quân sự nổi tiếng Lũy Trường Dục "Lũy Thầy".
Ông đã để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị như: “Ngọa Long cương vãn”,. Ông cũng chính là khởi tổ của môn hát tuồng, đặc biệt là kiệt tác vũ khúc Tuồng Sơn Hậu.

Đào Duy Từ mất vào ngày 17/10 âm lịch năm Giáp Tuất (năm 1634), hưởng thọ 63 tuổi. Sau khi ông mất, chúa Nguyễn Phúc Nguyên phong tước hiệu “Hiệp đồng mưu đức công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc Đại phu, Thái Thường Tự Khanh, tước Lộc Khê Hầu; ban tên Thụy là Trung Lương cho đưa về táng tại Tùng Châu, Phủ Hoài Nhơn (Nay là phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) sắc lập đền thờ vào năm thứ 9 đời Gia Long, tôn ông là đệ nhất công thần Nhà Nguyễn – đưa về Thái miếu để thờ chung với các chúa Nguyễn.
Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), ông được truy phong “Khai Quốc Công Thần Đặc Tiến Vinh Lộc Đại Phu, Đông Các Đại Học Sĩ Thái Sư và được phong tước “Hoằng Quốc Công”. Năm 1939, Đào Duy Từ được vua Bảo Đại truy phong là “Khai Quốc Công Thần, Đặc Tiến Vinh Lộc đại phu, hàm Đông Các Đại Học Sĩ, chức Thái Sư, phong tước Hoằng Quốc Công, Trác Vĩ Thượng Đẳng Thần”. Truyền cho dân làng Nổ Giáp đem kiệu lên ga Văn Trai đón rước sắc và lập đền thờ Đào Duy Từ trên quê hương mình.



Chỉ trong thời gian ngắn ngủi 8 năm (1626-1634), ông đã làm nên những kỳ tích phi thường, giữ vững cơ nghiệp của Chúa Nguyễn, mở mang bờ cõi phương Nam, sửa sang chính trị, quan chế, thi cử, võ bị, thuế khóa, nội trị, ngoại giao, làm cho Đằng trong phồn vinh và hùng cường.
Đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ là một di tích lịch sử văn hoá đã được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 29/QĐVH ngày 30-12-2002 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch).
Lễ dâng hương tưởng nhớ 389 năm ngày mất Danh nhân Văn hóa, Quân sự Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ năm nay được tổ chức gồm 2 nội dung: Tổ chức lễ Rước kiệu từ khu Mộ tổ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ, tổ dân phố Nổ Giáp, phường Nguyên Bình đến Đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ, Tổ dân phố Sơn Thắng, phường Nguyên Bình và phầnTế lễ tại Đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ. Trong đó, phần tế lễ và đọc chúc văn đã ôn lại thân thế, sự nghiệp và những cống hiến đặc biệt xuất sắc của Đào Duy Từ trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, quân sự và văn học nghệ thuật.

Lễ dâng hương nhằm tôn vinh Danh nhân văn hóa, quân sự Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ đã có công lao đóng góp trong lịch sử dân tộc, khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa địa phương, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương trong các tầng lớp Nhân dân, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong thời kỳ hội nhập, thúc đẩy liên kết, quảng bá trong phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế - văn hóa xã hội trên địa bàn thị xã.