Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Chiến thắng Ấp Bắc báo hiệu sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”

Đăng ngày 18 - 04 - 2025
100%

- Đa phần các cơ quan báo Đảng địa phương trong cả nước đều được gắn với tên tỉnh hoặc thành phố đó. Tuy nhiên ở tỉnh Mỹ Tho trước kia và Tiền Giang ngày nay, hơn 50 năm qua, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh lại được đặt tên là “Báo Ấp Bắc” - một địa danh cấp thôn/ấp. Bởi nơi đây chính là niềm tự hào, là nơi diễn ra trận đánh và giành chiến thắng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình trưởng thành cũng như phương thức tác chiến của lực lượng vũ trang miền Nam chống lại kẻ thù xâm lược với phương tiện và vũ khí chiến tranh tối tân bậc nhất thời đại khi ấy

Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến thắng Ấp Bắc ở xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang ngày nay. Ảnh: Báo Ấp Bắc

Theo tư liệu từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, “trận đối đầu tại Ấp Bắc vào ngày 2/1/1963 chính là trận đánh lớn nhất miền Nam kể từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, báo hiệu sự sụp đổ của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” mà Mỹ áp dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam”. Kể từ sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, chủ trương của ta là chủ động từng bước tiến hành chiến tranh cách mạng. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang miền Nam, nhất là bộ đội chủ lực của Quân khu 8 còn ít về số lượng, thiếu về trang bị, lại chưa được huấn luyện theo yêu cầu chiến đấu mới, chưa được chuẩn bị đối phó với phương tiện chiến tranh hiện đại và những chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch.

Lợi dụng địa hình đồng bằng, lực lượng địch đã áp dụng và phát huy đến mức cao nhất ưu thế các phương tiện chiến tranh, chiến thuật mới, gây cho các lực lượng vũ trang của ta ở miền Nam nhiều khó khăn và không ít tổn thất. Máy bay địch làm cho tình hình nông thôn căng thẳng, ăn ở, sản xuất của Nhân dân bị đảo lộn, hoạt động của lãnh đạo phong trào cách mạng gặp vô vàn khó khăn... Cần phải nói thêm, đầu những năm 60 của thế kỷ trước, việc đánh giá tương quan lực lượng của ta còn hạn chế, công tác tư tưởng chưa tốt, nên xuất hiện tình trạng sợ địch, đánh giá địch quá cao, nhất là sợ pháo, cơ giới, máy bay trực thăng dẫn đến nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta có tâm lý thiếu quyết tâm và chưa tích cực chống càn. Cùng với đó, từ tháng 7 đến tháng 9/1962, trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho ngày đó, địch liên tục sử dụng trực thăng đánh sâu vào vùng giải phóng và các căn cứ cách mạng, gây nhiều thiệt hại, làm cho tinh thần một số cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân hoang mang, dao động. Trước tình hình đó, Quân khu ủy và Tư lệnh Quân khu 8 đã tổ chức nhiều hội nghị để phân tích, đánh giá tình hình; đồng thời tìm ra các biện pháp đối phó với chiến thuật càn quét mới của địch.

Trước yêu cầu mới, quân và dân miền Nam thể hiện quyết tâm đánh bại các chiến thuật dùng máy bay trực thăng và xe bọc thép của địch. Tại Quân khu 8, thực hiện chỉ đạo của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu, các cơ quan đã tổ chức phổ biến, huấn luyện chiến thuật chống địch càn quét, cách bố trí trận địa phòng ngự và kỹ thuật bắn máy bay, cách bắn xe bọc thép. Đêm 31/12/1962, Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 (chủ lực Quân khu) và Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 bộ đội địa phương tỉnh Mỹ Tho về đóng tại Ấp Bắc và ấp Tân Thới để huấn luyện cách đánh máy bay trực thăng, xe bọc thép; cách tổ chức, bố trí lực lượng; xây dựng hệ thống công sự trận địa trong làng, xã chiến đấu; phối kết hợp với 1 trung đội công binh tỉnh Mỹ Tho, 1 trung đội địa phương huyện Châu Thành và du kích các xã Tân Phú, Tân Hội, Điềm Hy chuẩn bị tiến công ấp chiến lược Giồng Dứa, Long Định.

Phát hiện lực lượng ta đang bố trí tại Ấp Bắc, địch cấp tốc điều động lực lượng, phương tiện, tổ chức cuộc hành quân “Đức Thắng 1/13” càn quét vào khu vực này. Lực lượng gồm 3 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn bộ binh 7, 1 tiểu đoàn dù, 2 đại đội biệt động quân, 3 đại đội bảo an, 3 đại đội dân vệ, 13 xe thiết giáp M113, 13 tàu chiến, 32 máy bay, các trận địa pháo của Sư đoàn 7 ở lộ 4, Long Định, Phước Mỹ.

Sáng 2/1/1963, từ nhiều mũi, bằng đường bộ, đường thủy, đường không, quân địch tổ chức càn quét Ấp Bắc. Trên bộ, chúng cho một tiểu đoàn bảo an theo đường Tân Hội chia thành hai cánh, một cánh đánh vào cầu Trường Gà, một cánh đánh vào Cầu Sao. Cả hai cánh quân của địch đều bị du kích chặn đánh và dẫn dụ vào địa hình đã được chuẩn bị sẵn. Nắm chắc thời cơ, chỉ huy các đơn vị lệnh nổ súng ngăn chặn, kết hợp tổ chức lực lượng cơ động đánh vào bên sườn đội hình tiến công của địch. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, gan dạ, mưu trí, không hề nao núng trước sức mạnh uy hiếp của quân địch, lực lượng vũ trang đóng quân ở đây đã cùng Nhân dân Ấp Bắc kiên quyết bám trụ đánh địch, chống càn. Bị đánh bất ngờ, hai cánh quân trên bộ này nhanh chóng bị tiêu diệt. Cùng chung số phận với hai mũi tiến công trên bộ, mũi đường thủy theo kênh Nguyễn Tấn Thành, gồm 13 tàu chiến chở quân địch đánh vu hồi vào sau đội hình phòng ngự của ta, cũng bị chặn đánh quyết liệt và thiệt hại nặng.

Dựa vào hệ thống công sự, trận địa, hầm hào chuẩn bị sẵn, với mọi vũ khí trong biên chế, quân và dân Ấp Bắc lần lượt đánh bại tất cả các đợt tiến công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 450 tên, trong đó có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ, bắn rơi 5 máy bay trực thăng, bắn hỏng nhiều chiếc khác; phá hủy 3 xe bọc thép M-113, đánh chìm 1 tàu chiến, làm thất bại hoàn toàn cuộc hành quân càn quét đầy tham vọng của địch.

Thực tiễn đã khẳng định, chiến thắng Ấp Bắc là sự vận dụng tài tình nghệ thuật quân sự của người chỉ huy, của phân đội đã được huấn luyện qua một thời gian ngắn; chất lượng của lực lượng vũ trang miền Nam có sự thay đổi rõ rệt, hiệu suất tiêu diệt địch được nâng cao, bộ đội dần thích nghi với địa hình, xác định cách đánh phù hợp, buộc địch phải tác chiến theo cách đánh của ta. Đây tuy là trận chống càn quét, nhưng là trận đánh có sự hiệp đồng nhịp nhàng giữa 3 thứ quân, giữa lực lượng ở khu vực trực tiếp đương đầu chống càn quét với lực lượng ở khu vực các xã, ấp lân cận; phối hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh quân sự và chính trị, đánh địch tại chỗ và đấu tranh đánh địch trên bình diện rộng để căng kéo, phân tán quân địch, tạo điều kiện cho các lực lượng chiến đấu giành thắng lợi. Đây cũng là chiến thắng của sức mạnh tổng hợp chính trị, quân sự, binh vận được kết hợp một cách sáng tạo và tài tình, để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị về lý luận và thực tiễn.

Theo nhiều tư liệu lịch sử, trong trận đánh Ấp Bắc, các lực lượng của ta chỉ có 350 người nhưng lực lượng địch tới 1.400 quân các loại với phương tiện và vũ khí hiện đại. Sau trận chiến, phía ta có 18 người hy sinh, 39 người bị thương, còn phía địch có tới 450 quân chết và bị thương. Chiến thắng Ấp Bắc đã cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng và mở ra khả năng mới cho cách mạng miền Nam tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ xâm lược; đồng thời, đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng vũ trang miền Nam.

Viết trên báo Quân đội Nhân dân vào cuối năm 2024, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Toán, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, tái khẳng định: “Chiến thắng Ấp Bắc đã mở đầu cho việc đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” được coi là “tân kỳ và hữu hiệu”, báo hiệu sự phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và Ngụy quyền, cổ vũ mạnh mẽ quân và dân miền Nam đẩy mạnh phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”. Từ phong trào Đồng Khởi năm 1960 đến trận Ấp Bắc năm 1963, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc lan rộng khắp miền Nam. Đây chính là những “phát súng” để dẫn đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, các chiến dịch lớn khắp miền Nam sau đó, rồi đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 để thống nhất nước nhà.

<

Tin mới nhất

Ra quân tổng vệ sinh môi trường tại Khu du lịch biển Hải Hòa(19/04/2025 3:27 CH)

Thị xã Nghi Sơn triển khai kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính...(19/04/2025 1:56 CH)

Thống nhất thủ tục, mẫu lấy ý kiến nhân dân về sắp xếp sáp nhập tỉnh, xã(18/04/2025 10:31 CH)

Trao 60 suất quà cho học sinh khuyết tật trên địa bàn thị xã Nghi Sơn(18/04/2025 10:25 CH)

Đồng chí Mai Sỹ Lân, Phó Chủ tịch UBND thị xã kiểm tra công tác chuẩn bị khai mạc Lễ hội Du lịch...(18/04/2025 5:39 CH)

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Chiến thắng...(18/04/2025 2:38 CH)

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thị xã chuẩn bị cho mùa du lịch 2025(18/04/2025 2:34 CH)

Bỏ cấp huyện, sáp nhập xã: Trường học, trạm y tế, thôn, tổ dân phố sẽ sắp xếp thế nào?(17/04/2025 3:38 CH)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
423 người đã bình chọn
°
1554 người đang online